Hậu quả Cách_mạng_Mông_Cổ_1921

Ngày 8 tháng 7 năm 1921 Quân giải phóng nhân dân Mông Cổ tiến vào thủ đô.

Quân đội của Roman von Ungern-Sternberg's bị đánh bại và bắt đầu tan vỡ, ông ta bị các binh sĩ bỏ rơi và bị Hồng quân bắt giữ, rồi bị Xô viết hành quyết. Giao tranh sau đó chuyển sang miền tây Mông Cổ, và đến cuối năm 1921 thì Bạch vệ bị tiêu diệt hoặc bị trục xuất khỏi Mông Cổ.

Chính phủ Trung Quốc không phải là không quan tâm đến cuộc xâm chiếm của Roman von Ungern-Sternberg, họ bổ nhiệm Trương Tác Lâm làm chỉ huy một đạo quân viễn chinh nhằm đối phó. Tuy nhiên, việc Hồng quân chiếm đóng Urga vào tháng 7 và chính trị quân phiệt nội bộ của Trung Quốc buộc ông ta phải từ bỏ các kế hoạch của mình.[33]

Trên mặt trận ngoại giao, Liên Xô đề nghị Trung Quốc triệu tập một hội nghị ba bên như vào năm 1914-15, để thảo luận về quan hệ của Mông Cổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc được khuyến khích trước viễn cảnh đội viễn chinh của Trương Tác Lâm nên đáp lại rằng Mông Cổ là bộ phận của Trung Quốc, và do đó không thể là chủ đề của một cuộc đàm phán quốc tế. Phải đến năm 1924 thì một hiệp định Trung-Xô mới được ký kết, theo đó Liên Xô công nhận Mông Cổ là một bộ phận tổ thành của Trung Quốc, và đồng ý triệt thoái các binh sĩ của mình. Bất chấp hiệp ước này, việc Khutuktu từ trần trong cùng năm tạo một cơ hội để Đảng Nhân dân Mông Cổ phế trừ hoàn toàn cai trị thần quyền, và Đảng này tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Năm 1945, chính phủ Quốc dân Trung Quốc công nhận chủ quyền hoàn toàn của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, song rút lại công nhận này vài năm sau đó.[34] Đến năm 2002, Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan công nhận Mông Cổ độc lập.[35]